Căn cứ vào gia phả của thập nhị khai canh làng Thanh Thủy Thượng thì các Ngài khai canh của 13 họ từ miền Bắc di dân vào Nam từ thế kỷ thứ 14 (cách nay hơn 600 năm) vào khỏang thời hậu Lê. Sau khi đánh đuổi giặc Mông, Nguyên các triều đại của nước ta mới ổn định phần đất ở miền Trung và miền Nam.

Thập tam Ngài khai canh gồm các họ: Lê Diên, Ngô, Lê (Bá Thúc Quý), Lê Viết, Nguyễn Diên, Nguyễn Thanh, Trần, Phùng, Phạm, Đặng, Phan, Hồ và Lê Đô. Riêng Ngài Lê Đô vô tự nên làng mới thờ tự ngài ở đình làng, hàng năm húy kỵ vào ngày 24-25 tháng 8 âm lịch (mưa to gío lớn). Thập nhị khai canh đều được con cháu mỗi tộc xây dựng từ đường họ để thờ cúng và 12 họ đã có con đàng cháu đống nối dõi tông đường nên mãi cho đến nay làng ta vẫn đầy đủ 12 họ, do đó mỗi lần hội họp mõ thường rao " Xin mời viên quan làng thập nhị" là chổ đó.

Địa danh làng trước đây là làng Thanh Tuyền sau vì phạm húy Vua Thiệu Trị nên đổi lại thành làng Thanh Tòan. Làng có ruộng vườn trù phú, cuộc sống yên vui nên người ta thường hát câu:

" Ai về cầu ngói Thanh Tòan,
Cho em về với một đòan cho vui"

Theo tục truyền, làng Thanh Tòan về sau ngày càng phát triển, con cháu đông vui nên làng bắt đầu mở rộng đất đai từ đó mà chia thành hai làng Thanh Thủy Hạ (hay còn gọi là Thanh Thủy Chánh, chánh gốc của làng Thanh Tòan) và Thanh Thủy Thượng được xây dựng ở khu đất cao ráo hơn, có ruộng đồng phì nhiêu, có núi non bề thế.

Làng Thanh Thủy Thượng gồm cánh đồng bát ngát về phía đông với diện tích 648 mẫu ruộng công điền và 32 mẫu ruộng sa hòang, núi độn Sầm bao bọc ruộng vườn kéo dài về hướng tây, qua khe Là Ngà giáp với độn Hòang mà trung tâm là chùa Bà Hòang (ngày nay gọi là chùa Hoa Nghiêm)

Từ ruộng vườn nhìn vào nổi bậc 3 hòn độn Sầm như hình hai con voi chầu mặt nguyệt, từ địa danh này mà trong làng phát sinh rất nhiều lính Kinh Tượng tức là đội lính trông coi đàn voi của nhà Vua, vì các triều đại trước đây Vua Quan ngự giá đều dùng voi kể cả khi ra trận mạt, từ đó mà làng mình có tẹt Bến Quan là nơi lính Kinh Tượng thường cho voi mẹp (tắm)

Đứng từ làng Thanh Thủy Chánh nhìn lên thấy địa cuộc tòan cảnh làng Thanh Thủy Thượng như hình con Dơi lớn xòe cánh bọc lấy đình làng gồm 4 trụ đình cao ngất và bình phong đồ sộ rất oai nghiêm. Hậu làng là dãy núi độn Sầm nối liền với Trường Cù vào tận núi cao. Trước mặt là cánh đồng bát ngát, bốn mùa nhận nước từ sông Lợi Nông chảy vào làm cho đồng ruộng phì nhiêu mà đáng lưu ý là bầu Chòang ruộng tốt cá nhiếu nên đã có câu "Gạo de An Cựu, cá rô bầu Chòang" là ở chổ đó.

Vậy mỗi khi nghe nhắc đến núi Độn Sầm, sông Lợi Nông, đồng Dương Phẩm, đập Ông Mốc, đồng bầu Chòang, tẹt Bến Quan, chùa Bà Hòang chính là hình ảnh của làng Thanh Thủy Thượng đó.

Với diện tích sầm uất như vậy nên nhân dân làng Thanh Thủy Thượng có một cuộc sống tương đối thỏai mái nhất vùng thuộc Huyện Hương Thủy, nên dân gian có câu

" Không lấy con gái Thanh Thủy là quê,
Trước bầu sau rẫy bốn bề quanh năm"

Các Ngài khai canh đã để lại cho dân làng tài nguyên phong phú 648 mẫu công điền, cứ 3 năm một lần, phân cấp cho dân làng. Việc phân cấp được căn cứ vào phẫm hàm, có nghĩa là những ai có phẫm hàm cao, học vị lớn thì được cấp trước, điều này khuyên khích con cháu trong làng chí công học tập, nên làng ta trình độ nho giáo phát triển mạnh, học vấn tây phương xâm nhập nhiều nhờ đó mà cử nhân, tú tài, Bác sỹ, Kỹ sư cũng khá nhiều làm rạng rỡ nòi giống cho đến ngày nay.

Dân làng Thanh Thủy Thượng lấy nho giáo làm căn bản nên bên cạnh đình chùa còn có văn thánh (thờ đức khổng phụ tử và các danh nhân) và rất sùng đạo phật từ đó mà làng xây dựng nhiều chùa. Chùa thanh Quan (chùa làng), Chùa Đông Hải (cổ xưa), Chùa Kim Sơn (kỳ cựu) Chùa Nam Sơn (tiến bộ), Chùa Diệu Viên (Sư Nử), Niệm phật đường Phù Cát và Chùa Hoa Nghiêm (Bà Hòang). Xưa kia dân làng thường được nghe tiếng chuông chùa Đông Hải văng vẳng bên tai là mẫu mực của thời gian mà định hướng công việc.

Cuộc sống trong làng trải qua biết bao chuyển biến mà lòng người vẫn giử lấy cội nguồn, tập tục ông bà để lại, nên việc thờ cúng tổ tiên, bảo vệ các di sản đình miếu vẫn được thực hiện tốt.

Lê Bá Kỳ - Thế 16 (Viết ngày 28- 3 -1992).